A- A A+

Đại dịch COVID-19 tác động đến sức khỏe tâm thần trẻ mầm non thế nào?

Hai năm trôi qua, kể từ khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi, đảo lộn cuộc sống về mọi mặt, những thay đổi về tâm lý ở người lớn và trẻ em, đặc biệt ở trẻ mầm non mà chúng ta thường ít nhận ra.

1. Những biểu hiện của rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Ở lứa tuổi mầm non khi bạn quan sát và theo dõi trẻ hàng ngày bạn sẽ thấy trẻ thường có những biểu hiện rối loạn tâm lý sau:

- Trẻ thường biểu hiện luôn đòi đi theo người thân, bố mẹ, lo lắng sợ người thân bị COVID-19, dễ kích thích, không tập trung chú ý.

- Trẻ có cảm giác sợ hãi, cô đơn, sợ khi phải đi ra ngoài, cảm giác không an toàn trong thời gian bị phong tỏa.

- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ác mộng, hay tỉnh giấc vào ban đêm, ăn không ngon, có biểu hiện của chứng rối loạn lo âu chia ly - sợ khi không nhìn thấy hoặc khi người thân đi vắng.

- Trẻ có những biểu hiện bất thường về hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng, trẻ thường phàn nàn đau vùng dạ dày.

- Trẻ đái dầm mặc dù đã có được thói quen đi vệ sinh vào bô hoặc biết tự ra nhà vệ sinh.

- Trẻ hay đánh người khác, bực bội, cắn, nổi cơn thịnh nộ thường xuyên hoặc dữ dội hơn, trẻ quấy khóc và cáu kỉnh, dễ giật mình, dễ khóc, khó dỗ dành hơn…

Trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính dễ bị các rối loạn tâm thần.

2. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non

- Sự cô lập về mặt xã hội: Trẻ cảm giác cô đơn, tách biệt với xã hội bên ngoài, đây là một yếu tố ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Trẻ không có những hoạt động vui chơi cùng bạn bè, bố mẹ đi làm trong khi trường học đóng cửa, trẻ ở nhà một mình.

- Do tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều: Việc tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại nhiều là một yếu tố dễ dẫn đến những rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu…

- Thiếu hoạt động thể lực, hoạt động tập thể dẫn đến trầm cảm, lo âu.

- Mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 ở khu vực trẻ sống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

- Những trẻ có bố mẹ quá căng thẳng stress, lo lắng vì bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như mất việc, thu nhập giảm, tăng gánh nặng công việc gia đình như chăm sóc trẻ do trường học đóng cửa… cũng là một ảnh hưởng lớn đến việc phát sinh những vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ.

Trẻ hay khóc, khó dỗ dành hơn là một trong những biểu hiện của rối loạn tâm lý do dịch bệnh.

3. Cần làm gì khi trẻ có những biểu hiện của rối loạn tâm thần?

- Bạn cần có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là những bác sĩ tâm lý trẻ em. Cần thường xuyên ở gần trẻ, hỏi trẻ về những điều trẻ nghĩ và cho trẻ thấy là bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với trẻ khi trẻ cần đến bạn. Tạo cho trẻ những cơ hội chia sẻ thật sự cởi mở để trẻ có thể nói hết những gì trẻ suy nghĩ.

- Tự chăm sóc và thiết lập một nhịp sống trong gia đình một cách lạc quan.

- Nếu bố mẹ thể hiện sự tuyệt vọng hoặc sợ hãi tột độ có thể ảnh hưởng đến con bạn. Việc giữ tinh thần lạc quan có thể là một thách thức với bạn, đặc biệt nếu bạn đang phải vật lộn với căng thẳng của chính mình như công việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thu nhập giảm, thậm chí là thất nghiệp... Nhưng hãy cố gắng đưa ra những thông điệp nhất quán rằng một tương lai tươi sáng hơn đang ở phía trước, đại dịch sẽ qua đi, con người sẽ tìm ra cách để sống chung với đại dịch một cách phù hợp nhất, vaccine sẽ được tiêm cho toàn bộ người dân, cuộc sống sẽ mau chóng trở lại bình thường.

- Bạn hãy coi đây là một cơ hội để bạn có thể nghỉ ngơi, chia sẻ thời gian với con cái, tìm ra những sự thay đổi, đổi mới so với trước, đó là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội mới cho bạn.

- Dành thời gian chơi với con như chơi các môn thể thao cầu lông, cờ vua, cá ngựa, chạy bộ thể dục, tập thư giãn, có những hoạt động tập thể cả gia đình, cùng xem một bộ phim hay, cùng chạy bộ hay những hoạt động thể thao ngoài trời khác… sẽ giúp trẻ cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền



Tin liên quan